ALE - Teamwork - Teambuilding - BigGame
Địa chỉ: Số 99A, Ngõ 1194 đường Láng - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: +84 904 48 4774 - Mail: ducdq@aleteam.com
Tư vấn nội dung, phát triển kịch bản Bộ phận chăm sóc khách hàng - Thông tin của ALE Bộ phận chăm sóc khách hàng - Thông tin của ALE

Đã thích chuyện quay trở lại?

Đã lâu rồi không có tin bài gì mới trên website này, sau gần một năm bỏ bê, giờ đây đang rất muốn quay trở lại.
Đợt vừa rồi làm teambuilding cho cộng đồng và IPL, thấy rất khoái chí, có lẽ mình nên nghĩ đến chuyện luyện lại mấy món này.

Hình ảnh đoàn chơi teambuilding ngày 06/03/2010

Mình vốn thích sáng tạo games teamwork và cũng có ít kinh nghiệm trong chuyện này, có mấy nhóm rủ rê, nhưng thấy chưa ổn lắm, hơn nữa, MarNET còn nhiều vấn đề nên mình đành ngậm ngùi với ALE, để cho nó giống như một đứa con sống buông thả, tuy vậy cũng ko phải là không có tí giá trị nào.

Đợt vừa rồi có quen được 2 đồng chí khá hay, có thể đi cùng thuyền để tiến hành sự nghiệp này, tuy vậy, mình vẫn chưa thật sự hài lòng với tốc độ của các bạn ấy, có lẽ cần phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa thì mới được.

Trong một năm vừa rồi, không biết là nên dùng từ thất bại hay thành công với MarNET, cá nhân mình thì mục tiêu hoàn toàn đổ bể, giá trị của nó chỉ được người ta đánh giá gấp 3 lần giá gốc, mình đã hy vọng nó tối thiểu phải là 5, nếu không phải là 10 lần, nhưng đã không được. Điều đó chứng tỏ khả năng điều hành và tầm nhìn của mình còn yếu và phải học hỏi nhiều.

Gần 3 năm gắn mác Marketing, dần dần, mình thấy độ chuyên nghiệp và hiểu biết của mình đang tăng lên, nhưng xem ra chưa đủ, còn thiếu 1-2 năm để vừa học vừa luyện nữa thì mới làm lớn được. Mình lại muốn đi học sâu về marketing và quản trị kinh doanh, nhưng chuyện này sẽ ngốn mất 5 năm nữa của mình, kể ra cũng đáng để đầu tư, tự nhiên có luôn 2 công cụ cực mạnh và sắc bén như thế, cũng đáng công để cày cuốc chứ.

Sẽ có nhiều biến động như mọi khi, sẽ có nhiều hoạt động xảy ra trong thời gian tới, mình quyết định rồi! ALE sẽ vẫn tiếp tục và sẽ trở thành gốc nhân sự.

Thử "THƯỢNG ĐẾ CẦN"

Nhìn hình ảnh này bạn có đoán được là họ đang chơi trò gì không? Có vẻ rất vui, rất thỏa mãn..."Cười hết sức và chơi hết lực"...Bạn đã bao giờ tham gia vào những hoạt động mà đem lại những trang thái cảm xúc như vậy chưa?

Những người này đang chơi một trò chơi đấy các bạn ạ? Bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao người lớn lại có thể chơi vui vẻ đến thế? Có chứ, tại sao không?





























Đây là một trò chơi khá phổ biến trong giới học sinh, sinh viên, đặc biệt là trong các hoạt động nhằm rèn luyện kỹ năng teamwork. Bên cạnh đó, trò chơi này còn mang đến cho người chơi những pha cười sảng khoái nếu như ông quản trò thật sự khéo léo tinh ranh và hài hước. Trò chơi này có tên là "Thượng đế cần" hay bạn cũng có thể thay tên trò chơi này, rất đơn giản, ví dụ như là "...cần", trong dấu 3 chấm bạn chọn tên 1 tổ chức hay 1 ai đó cụ thể chẳng hạn, miễn sao cho vần và ngắn gọn...
"Thượng đế cần, thượng đế cần"..."Cần gì, cần gì"..."Cần 1 cái thắt lưng da"...:D
"Thượng đế cần, thượng đế cần"..."Cần gì, cần gì"..."Cần 3 cái...lông"...Đại khái thế...

Chúng ta có thể nghĩ ra đủ thứ trên trời dưới bể, càng tác oai tác quái thì càng tốt, vì như thế trò chơi sẽ được tăng thêm nhiệt. Trò chơi này dư sức đánh giá xem ai là người nhiệt tình, chịu chơi nhất trong tổ chức của bạn. Không quá khó để thực hiện. Nếu bạn có 2 - 3 đội chơi, mỗi đồi tầm 5-8 người thì thật lý tưởng, nhiều hơn vẫn cứ chơi được. Vì "Thượng đế" chỉ cần người đứng đầu hàng mang lên cho Thượng đế những thứ mà ông hay bà ấy yêu cầu thôi. Những thành viên khác mà a li chi chô bước lên khỏi vạch, vượt người đầu hàng thì coi như phạm quy và không được tính điểm.

Điểm mạnh của trò chơi này là đẩy tinh thần người chơi lên khá cao. Nếu quan sát kỹ, thì cái trò này cũng giúp ích được cho bạn trong việc đánh giá khả năng nhanh nhạy của người chơi, khả năng phối hợp giữa các thành viên của 1 đội với nhau.

Những yêu cầu của Thượng đế đều là những thứ thực hiện được, tuy nhiên cũng có cái dễ cũng có cái khó khăn. Dựa vào quan sát thực tế, Thượng đế mới quyết định xem mình cần gì. Thượng đế mà, biết sao được Thượng đế. Thượng để đã muốn thì phải có. Những người bán hàng vẫn thường có câu cửa miệng "Khách hàng là Thượng đế"...

Trò chơi này rất phù hợp trong các buổi đi chơi dã ngoại và có đông người một chút. Để khiến cho không khí đi chơi trở lên dễ chịu, thoải mái hơn, mọi người xích lại gần nhau hơn, thì đây là một trong những trò chơi đáng chơi. Và đây cũng là một trong những game quan trọng trong một chương trình Trò chơi lớn BigGAME.



Mê Cung - Còn hơn thế nữa

Ngày 07/03 vừa rồi, một lần nữa được làm người giám sát trò chơi này - Mê Cung - một trong những phần chơi quan trọng nhất của một "Trò chơi lớn". Người chơi đều là sinh viên đến từ lớp ERP K3 (FPT)...Ở đây sẽ không bàn đến người chơi, tôi muốn bàn về trò chơi này...

Trung bình các trọng tài trong khi tổ chức các trò chơi Teambuilding dành cho trò chơi này khỏang 90 phút để các đội hoàn thành. Có đội về đích sớm hơn, cũng có đội về muộn hơn, và cũng có đội bỏ cuộc. Mỗi trò chơi đều có cách chơi, luật chơi và có "key" riêng của trò chơi đấy. Nếu như ta sớm tìm ra "key" thì trò chơi nhanh chóng được hoàn thành. Đối với Mê Cung thì để tìm ra "key" quả thực không dễ...Đã có các trường hợp, nhiều người chơi, đi lại nhiều lần, và khoảng 30 phút đầu mà họ chưa tìm ra "key" - chưa biết cách đi thì họ đã mau chóng nản chí, nhiều người trong team không còn muốn tiếp tục cuộc chơi nữa...Chỉ cần 1 người trong team nản chí thì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần toàn đội.

Trò chơi này đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tuân thủ luật chơi, chiến lược, quan trọng trên hết là tinh thần đoàn kết của 1 team gắn với mục tiêu đến đích cuối cùng! Sự khéo léo ở đây không chỉ riêng một cá nhân, mà còn bao hàm cả sự kết hợp khéo léo của tất cả các thành viên trong team. Người trước đỡ, người sau đỡ...Cũng có trường hợp "hy sinh" cho đồng đội...Chỉ đứng 1 chân trong 1 ô, dù có đứng 2 chân thì cũng phải ở 2 ô liên tiếp nhau, cách xa nhau (2 chân hình chữ V). Bàn chân không phải lúc nào cũng vuông với mặt đất, nó nghiêng đủ độ. Mà không phải là liên tục được đi, có những lúc phải ngừng lại để hỗ trợ đồng đội, sức nặng của cơ thể đè lên đôi chân (có thể làm bạn đau đấy). Trong chương trình Biggame 07/03, có một anh bị trầy ngón chân cái, anh nói rằng không sao vì dù gì thì đội anh cũng đã về đến đích... Mê Cung làm hao tốn sức lực lắm...

"Mê Cung" như một cái kính hiển vi để tìm ra ai là người có năng lực lãnh đạo thực sự trong một team. Đồng thời thử thách ý chí kiên trì của các thành viên trong team. Bất cứ ai tham gia vào trò chơi này đều ít nhiều nhận ra được những bài học đáng quý trong cuộc sống. Cho dù họ có phải là lãnh đạo hay không? Còn nếu như bạn muốn thử năng lực của mình thì đừng ngần ngại tham gia trò chơi này...Mê Cung - còn nhiều thứ hơn thế nữa!

--------------------------------------------------------------------
Ngocnt
E-mail: ngocnt@aleteam.com
SDT: 01699 626 088
ALE - Trò chơi lớn - Teambuilding - Teamwork - BigGame
Y!M: aleteam2109

Tại sao nên chơi các trò chơi vận động?

Nhớ thưở ấu thơ, mỗi đứa trẻ đều rất thích thú và hào hứng đến giờ ra chơi, nhấp nhổm ngóng tiếng trống trường! Giờ ra chơi, khắp sân trường, chỗ này chỗ kia là từng nhóm học sinh cùng nhau bày ra các trò chơi: đá cầu, nhảy dây, trốn tìm, kéo co, chơi u, nhảy bậc... Tất thảy các trò chơi, không có trò nào là không đem lại tiếng cười vui cho các nhóc, những tiếng reo hò chiến thắng cổ vũ không ngớt. Người thắng cũng như người thua, rất hồn nhiên và trong sáng...Người lớn nhìn vào cũng như bị mê hoặc, cuốn hút...và nhớ lại cảnh tượng ấu thơ của mình...

Mỗi đứa trẻ mỗi tính nết khác nhau, nhưng trò chơi là thứ không phải là rào cản ngăn cách giữa các em mà trái lại, đó lại là chất keo dính tốt nhất thu hút các em, tập hợp các em lại với nhau...cùng chơi, cùng học, cùng suy nghĩ...

Tôi có thể quả quyết rằng, chỉ có trò chơi mới là thứ mà trẻ em thực sự cần, để kết nối các em lại với nhau, tạo ra môi trường giao lưu và học tập lẫn nhau. Vấn đề chỉ có thể là ở mức độ lợi hại của trò chơi. Trò chơi, không phải là trò nào cũng đem lại những mặt tốt, bên cạnh đó còn là những trò chơi xấu, bất lợi, ví dụ như những trò chơi mang tính bạo lực. Những vấn đề nảy sinh từ trò chơi được các em tiếp thu rất nhanh, là bởi vì chính bản thân các em đã tự mình trải nghiệm qua các tình huống của trò chơi. Những gì mà các em thực tế trải qua thì sẽ ghi nhớ rất lâu. Khi chơi, chúng ta tự do bày tỏ ý kiến, tự do thử nghiệm những ý tưởng mà không sợ bị phê bình hay những sự phủ nhận từ phía người lớn. Phần lớn trẻ con đều bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người lớn "đúng" hay "sai", "sai" hay "đúng". Mà hơn nữa, trẻ con hay kể cả những người lớn cũng thế thôi, không thích ý kiến của mình bị phủ nhận, và luôn trông đợi là ý kiến mình đưa ra là có ích, là đúng...

Trò chơi là một môi trường tốt để các em bộc lộ tính cách cá nhân của mình. Người lớn nên nắm bắt được đặc điểm này để phát huy một môi trường học tập và rèn luyện bổ ích cho trẻ. Nghĩa là nên chọn những trò chơi như thế nào, phát triển các mô hình trò chơi học tập cho trẻ cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các em...

Ngày nay, khi mà khoa học công nghệ càng phát triển với sự ra đời và phát triển của hàng loạt các trò chơi trực tuyến, phần nào đó hạn chế cái không gian giao lưu của các em, giao lưu với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Có nhiều những ông bố bà mẹ vì quá lo lắng cho con cái mà hạn chế trẻ tiếp xúc với bên ngoài, trang bị cho trẻ những thiết bị hiện đại, trẻ tập trung vào chơi game trực tuyến, chơi điện tử - các trò chơi có trên các thiết bị máy móc. Tất cả những trò chơi dạng như thế này không phải là không tốt hoàn toàn, chúng cũng có những lợi ích nhất định. Song chúng không phát triển được toàn diện về trí tuệ và thể chất cho trẻ.

Xét về góc độ sinh học thì, cơ thể con người luôn vận động và phát triển. Năng lượng liên tục được sinh ra trong quá trình trao đổi chất. Khi ngồi học, phần lớn trẻ sử dụng năng lượng vào cái đầu - nghĩa là suy nghĩ. Trong khi đó, năng lượng ở các bộ phận khác như chân tay thì cũng liên tục được tạo ra, chúng cần được giải phóng. Đó cũng là lý do vì sao trẻ em hay chơi, đùa nghịch vào những giờ ra chơi. Không chạy nhảy, chúng sẽ không giải phóng được năng lượng, và sẽ gây cảm giác ức chế, thiếu linh hoạt. Người lớn như cha mẹ thầy cô cần có cách để định hướng những năng lượng đó vào những việc đem lại lợi ích cho trẻ.

Một điều đặc biệt nữa là, trò chơi không chỉ giúp trẻ rèn luyện thể chất, giải phóng năng lượng ở các cơ, mà còn là cách để cho trẻ học. Cách học này, trẻ không hình dung là mình đang học, vì thế trẻ sẽ tiếp thu nó một cách rất tự nhiên. Đào sâu hơn thì, mỗi trò chơi đều có ý nghĩa riêng của nó. Nói như vậy có nghĩa là, trò chơi vừa giúp trẻ vận động nâng cao thể trạng vừa giúp trẻ linh hoạt hơn trong tư duy của mình.

Tận dụng những lợi thế của các trò chơi đem lại, nhiều mô hình học mà chơi, chơi mà học đã ra đời và đang có xu hướng ngày càng phát triển như: các trại hè, các khóa huấn luyện kỹ năng sống... lồng vào các chương trình học trên lớp của các em, và rất được các em đón nhận. Công cụ chính của các mô hình này chính là những trò chơi đã được nghiên cứu và thí nghiệm để giúp các em phát huy và rèn luyện trí thông minh IQ, trí thông minh cảm xúc EQ, và khả năng vượt khó AQ. Hơn nữa các em còn được tiếp xúc với thiên nhiên, hiểu được giá trị của cuộc sống. Môi trường mở hỗ trợ các em phát huy sức mạnh cá nhân. Giúp các em có một nền tảng cơ bản vững chắc, hỗ trợ các em trong cuộc sống bây giờ và sau này.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng, cứ vào dịp nghỉ hè (đối với nước ta), các ông bố bà mẹ đều có nhu cầu gởi con tham gia các chương trình rèn luyện kỹ năng sống. Một mặt vừa là phương pháp hiệu quả để phát triển bản thân các em, mặt khác, gia đình sẽ bớt lo lắng và yên tâm hơn về các hoạt động của các em trong thời gian nghỉ hè.

Trẻ em vốn hiếu động, ưa khám phá và tò mò, trong sáng và tiếp thu rất nhanh, cả cái tốt lẫn cái xấu. Quan tâm đến trẻ em, những người lớn, những bậc làm cha mẹ, thầy cô, những người có liên quan cần định hướng cho các em phát triển theo hướng có lợi nhất. Tương lai của các em phụ thuộc vào bây giờ chúng ta cho trẻ "ăn" những thứ gì? Trẻ em cũng như những cái cây non vậy. Quy trình phát triển của mỗi con người không khác gì mấy so với sự phát triển của cái cây? Khi còn non thì còn dễ uốn nắn để trở thành một cái cây đẹp, có ích, hoa thơm trái ngọt. Từng giai đoạn phát triển của "cây" mà có những phương thức chăm bón cho phù hợp.

---------------------------------------------------------------------------------
Ngocnt
E-mail: ngocnt@aleteam.com
SDT: 01699.626.088
ALE - Trò chơi lớn - Teambuilding - Teamwork - BigGame
Y!M: aleteam2109




Năm mới, bạn chọn bùng cháy hay tàn lụi?

Đã không ít lần được các anh chị, các thầy tạo động lực cho, thôi thúc mình cần phải thay đổi cuộc sống hiện tại để sống tốt hơn, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời hơn. Nhưng không hiểu sao, được 1 thời gian, mình lại thấy nản...Phải chăng mình đã không thật sự nỗ lực, không thật sự cố gắng! Sức ỳ của mình quá lớn sao? Hay cái tâm lý "nông dân" như kiểu anh Nghĩa nói, nó ăn sâu quá, làm cho bản thân mình khó thay đổi!
Nhưng mình muốn một cuộc sống độc lập, tự chủ, mình muốn biến sức lao động của mình thành hoa trái. Muốn thỏa mãn những mong muốn, những sở thích cá nhân và muốn công hiến cho tổ chức mình tham gia, cho nơi mình đang sống. Mình đang để thời gian trôi thật lãng phí. Ôi, làm gì để tận dụng từng phút giây, làm gì để mình luôn có động lực luôn hào hứng với công việc?

Lang thang trên cửa hàng sách, mình bắt gặp một cuốn sách, nghe tiêu đề rất hấp dẫn "Bùng cháy hay tàn lụi". Mình như nhìn thấy lối đi vậy, "làm thế nào để nhóm lên ngọn lửa say mê, sáng tạo và nhiệt tình trong công việc". Đúng thứ mình cần rùi. Hay quá. Thế là mình mua về.

Mình rất hào hứng và muốn mau biết về cách thức nào để nhóm lên ngọn lửa say mê...Nên mình đã đọc cuốn sách này đầu tiên trong số 4 cuốn sách cùng mua. "Bùng cháy hay tàn lụi"...mình chọn bùng cháy!

Ban đầu mình nghĩ cuốn sách này là dành cho từng cá nhân mà muốn tìm phương pháp để thôi thúc ý chí, thôi thúc niềm đam mê...Song, đến khi đọc cuốn sách thì nó lại khác. Nó dành cho 1 tổ chức hơn là một cá nhân. Cuốn sách có ý nghĩa rất lớn trong việc kinh doanh. Những tổ chức liên kết chặt chẽ thường hoạt động năng suất hơn, nhiều sáng kiến hơn và đem lại lợi nhuận dồi dào hơn. Đội ngũ nhân viên gắn bó với nhau có thể giải quyết vấn đề tốt hơn, sáng tạo hơn và sẵn sàng hợp tác hơn.

"Bùng cháy hay tàn lụi" theo tôi ở đây có nghĩa là: nếu bạn đang phụ trách một tổ chức, bạn muốn tổ chức ấy sẽ trở thành như thế nào? Một tập thể gắn kết, làm việc có hiệu quả, đồng lòng đồng sức hay một tập thể những người không tin tưởng nhau, thiếu sinh lực, ì ạch với kết quả kinh doanh kém khả quan?

Ở "Bùng cháy hay tàn lụi", tôi hiểu rõ hơn về tính liên kết. Đây là một lợi thế cạnh tranh cho nhưng tổ chức nào biết tối ưu nguồn lực của mình. Liên kết giúp mọi người tin tưởng lẫn nhau, giảm stress. Tôi đặc biệt ấn tượng với câu nói "Khi chúng ta ở đúng vị trí của mình, chúng ta sẽ làm việc có năng suất hơn và mọi người sẽ chú ý và thừa nhận vai trò của ta". Con người mang một đặc trưng tâm lý, đó là được công nhận, được thừa nhận, và là nhu cầu cao nhất trong mô hình tháp 5 nhu cầu của Maslow. Một tổ chức sẽ huy động được nguồn lực của mình một cách có hiệu quả nhất là khi con người của họ được đặt đúng vị trí. Đã không dưới 2 lần tôi được nghe đến khái niệm này, nhưng lần này thì nó có một tác động thật sự đến bản thân tôi. Tôi ngẫm về công việc và cuộc sống của mình, và đã lựa chọn cho mình vịt trí mà mình có khả năng nhất bây giờ. Khi đã hạ quyết tâm lựa chọn, chỉ còn suy nghĩ đến những vấn đề đấy, tôi thấy mọi việc trở lên rõ ràng hơn rất nhiều, và tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc.

Tôi đã tìm thấy ở cuốn sách những điều cần thiết cho bản thân tôi lúc này, thêm cơ sở để tạo lập và thực hiện Lifeplan của bản thân.

"Dù làm bất cứ việc gì, ông cũng phải phấn đấu hết sức mình vì đã lựa chọn và không nên quá lo lắng về hậu quả của nó" - John Wooden.

Ba nguyên tắc then chốt để liên kết và nhóm lên ngọn lửa nhiệt huyết trong đội ngũ của bạn đó là: Mục đích, giá trị và tiếng nói.

Một bài học khác nữa, đó là mỗi cá nhân đều phải đối mặt với mâu thuẫn nội tại giữa vấn đề là làm việc gì là đúng và việc gì là sai. Vì vậy mỗi cá nhân cần phải có những phẩm chất cho riêng mình, để hình thành lên quan điểm sống, sức mạnh của phẩm chất sẽ dẫn đường cho bạn. Và bạn cần phải rèn luyện những phẩm chất mà bạn mong muốn. Hãy chủ động phát triển tính cách. Một người lãnh đạo tốt, có những phẩm chất làm cho người khác phải khâm phục, và đặt lòng tin, người lãnh đạo đó chắc chắn sẽ truyền được tinh thần, truyền được ngọn lửa đam mê cho nhân viên của mình. Phẩm chất có sức mạnh kết nối ghê gớm, tạo điều kiện hình thành nên chuỗi phát triển.

Ở đây tôi sẽ liệt kê một số các phẩm chất mà cuốn sách đề cập: Sáng tạo, ham hiểu biết, phóng khoáng, ham học, nhìn xa trông rộng, lòng quả cảm, tính kiên trì, sinh lực, tình yêu, lòng tốt, hiểu biết xã hội, tư cách công dân, ngay thẳng, kỹ năng lãnh đạo, khoan dung và nhân từ, tự giác, thận trọng, khiêm tốn, hài hước, duy linh, khả năng thưởng thức cái đẹp và sự xuất sắc, lòng biết ơn và hy vọng.

Nói thì là như vậy, nhưng làm thế nào để mình phát triển được tính cách?

1. Phát triển thói quen, mang lại sức mạnh phẩm chất. Khẳng định tính cách, khẳng định tích cách mà mình có, mình mong muốn, khẳng định nhân sinh quan của bản thân.
2. Xây dựng những mối quan hệ tin tưởng sâu sắc với những người mà mình muốn phát triển đức tính tốt. Xây dựng khả năng kiềm chế và cân bằng.
3. Trải qua các cuộc kiểm tra định kỳ.
4. Nghiên cứu và tôn vinh tính cách của những người kết nối chủ động. ĐỌc về những người đàn ông, những người phụ nữ vĩ đại của quá khứ và hiện tại.
5. Chọn lựa, đánh giá và đề bạt những người lãnh đạo có sức mạnh phẩm chất và có khả năng liên kết.
6. Cân nhắc sự sáng suốt và giải pháp nảy ra từ phân tích hệ thống xã hội.
7. Cẩn trọng để không phát triển văn hóa tự mãn.

Tóm lại, ban đầu tôi đã hơi sai lầm khi nghĩ rằng cuốn sách này chỉ để dành cho những tổ chức nào mà muốn kích thích tinh thần nhân viên, truyền lòng đam mê, phát triển tính liên kết trong tổ chức mình. Song cá nhân tôi lại rút ra được nhiều điều khi tôi cố gắng đọc đến hết cuốn sách. Tôi nhớ đến một câu nói: "Khi bạn vào vườn hoa, bạn chỉ muốn tìm hoa hồng, nhưng chẳng may trong vườn lại không có. Ở đó chỉ có hoa lan, hoa huệ...và rất nhiều loài hoa đẹp khác. Bạn sẽ tiếp tục ngắm những bông hoa đó, hay bỏ về, không thèm xem nữa". Với tôi, không lý do gì khiến tôi không ở lại để tiếp tục ngắm những loài hoa đẹp đó.

Khắc phục bệnh lãng phí thời gian cho nhà quản lý

Thời gian đối với nhà quản lý là một thứ tài sản vốn quý báu bởi họ là người nắm giữ những nhiệm vụ quan trọng nhất và mức chi phí lương cao nhất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý tự đánh mất hoặc làm rơi vãi thời gian rất lãng phí.

Bài báo chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu gây lãng phí thời gian cho nhà quản lý và đưa ra biện pháp quản lý thời gian hiệu quả hơn. Những nhà quản lý hay để rơi vãi thời gian với quyết tâm và lòng kiên trì áp dụng các biện pháp đó có thể đạt được hiệu quả cho công việc và cuộc sống riêng trở nên tốt hơn.

Hình ảnh nhà quản lý để rơi vãi thời gian quý giá

Những nhà quản lý lãng phí thời gian quý giá thường không đủ thời gian làm những việc quan trọng cho doanh nghiệp, những điều họ quan tâm, không sắp xếp được thời gian để phát huy sở trường và tiềm năng của mình.

Họ thường xuyên ở trạng thái căng thẳng vì áp lực thời gian và không có thời gian chăm sóc cá nhân. Câu giải thích cửa miệng thường xuyên cho việc này là tại bận quá, tại họ không còn thời gian.



Thay vào đó họ chuyên làm những việc lặt vặt, làm thay những việc từ nhỏ đến lớn cho nhân viên, hoặc thời gian làm mọi việc bị động, phụ thuộc vào lịch làm những việc không quan trọng. Nhiều nhà quản lý không đủ thời gian giải bài toán quản lý thời gian của mình, trễ nải trong công việc hoặc từ chối nhận thêm việc theo trọng trách.

Những nguyên nhân chính gây lãng phí thời gian

Vậy thời gian quý giá của nhà quản lý đi đâu mất? Kẻ nào đánh cắp thời gian của họ?

Không có ai khác lấy thời gian của họ là chính họ. Nhà quản lý lãng phí thời gian bởi không ở thế chủ động quản lý thời gian, quản lý chính cá nhân mình và cái giá của sự bị động chính là biến tài sản quý giá này thành chi phí của doanh nghiệp.

Bài báo đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính:

1. Không dành thời gian để lập kế hoạch công việc gắn với trách nhiệm của mình
2. Ôm đồm thực hiện những việc sai trọng trách có thể ủy quyền cho cấp dưới
3. Không có ý thức thực thi chặt chẽ theo kế hoạch được lập, sa đà vào những việc lắt nhắt, phát sinh bất ngờ, phục vụ cho mục đích thông tin chứ không phải hành động như điện thoại, họp hành.

Biểu hiện:

1. Không lập hoặc lập kế hoạch công việc không tốt

- Làm việc lộn xộn, không làm đúng việc cần làm, việc lặt vặt chiếm nhiều thời gian mà việc quan trọng không đủ thời gian để làm

- Lúc cần ra quyết định tức thì lại chần chừ gây chờ đợi, lãng phí nhân lực

- Thường chạy theo việc phát sinh, khẩn cấp

- Lúc nhàn lúc công việc lại ùn ùn đổ lên đầu. Do không thực hiện kế hoạch, vỡ kế hoạch hoặc các công việc trong kế hoạch không có độ quan trọng, độ khẩn cấp riêng và thứ tự thực hiện chúng

2. Không phân quyền hoặc không phân công hiệu quả

- Ôm đồm, nhúng tay vào việc của nhân viên

- Với những việc không thuộc trọng trách quản lý lãnh đạo không dành thời gian trao quyền cho nhân viên làm

3. Tốn thời gian vào việc không tên, lặt vặt

- Rất nhiều việc như điện thoại, họp hành, tiếp khách, giấy tờ, rủi ro bất ngờ tiêu quá định mức cần thiết

- Tham gia ngẫu nhiên, đột xuất các hoạt động này gây mệt mỏi, tiêu tốn thời gian

Cách khắc phục bệnh lãng phí thời gian

Một nhà quản lý có năng lực và giỏi luôn có phương pháp quản lý thời gian trong ngày, trong tháng, họ luôn ở thế chủ động ngăn chặn sự lãng phí thời gian của mình – là những người biết quản lý bản thân tốt.

Bài viết dựa trên kinh nghiệm của các nhà quản lý, đưa ra 3 nhóm biện pháp lớn, để nhà quản lý quản lý tài sản thời gian của mình. Đó là:

1. Dùng một lượng thời gian cố định trong ngày để lập và thực hiện những việc quan trọng nhất
2. Dùng một lượng thời gian cố định khác cho những hoạt động thông tin như điện thoại, họp hành, email và
3. Phần thời gian còn lại trong ngày thực hiện những việc có độ ưu tiên thấp, những việc phát sinh khẩn cấp và nghỉ ngơi.

Biện pháp:

1. Lập kế hoạch công việc (lịch làm việc)

- Dành thời gian cuối ngày hoặc đầu ngày làm việc lập kế hoạch

- Kế hoạch dựa theo trọng trách quản lý được trao, những việc đúng sở trường và được doanh nghiệp mong chờ. Lịch có mục tiêu, kết quả mong muốn, thời lượng, bắt đầu - kết thúc, độ ưu tiên.

- Việc quan trọng nên ưu tiên về thời điểm phù hợp đồng hồ sinh học của bản thân

- Trong lịch sắp xếp thời gian riêng cho việc ít quan trọng, khẩn cấp nhưng thường ít hơn 50% quỹ thời gian

- Với những công việc liên quan không thuộc trọng trách ủy quyền cho nhân viên thực hiện

2. "Giờ nào việc nấy" - Làm đúng theo kế hoạch làm việc

- Tuân thủ đúng kế hoạch, đúng việc mới có tốt việc nhất là với những việc quan trọng - dài hạn

- Làm việc cẩn thận đúng thời điểm, đúng tiến độ nêu trong lịch làm việc đã lên

- Nói không với những việc xen ngang, việc của nhân viên

3. Làm các việc lặt vặt, cá nhân khác

- Với các việc thông tin lặt vặt có thể ủy quyền cho nhân viên văn phòng, lễ tân

- Với các buổi họp cần sự có mặt tham gia ngắn gọn:

* Loại họp thông tin: chỉ nêu ý kiến và lấy thông tin
* Loại họp phân công, giải quyết vấn đề: tham gia trao đổi để có giải pháp và ra quyết định

- Với trao đổi hướng dẫn cần nhanh gọn đủ ý với nhân viên

(Sưu tầm)

NGUYỄN THỊ THUỲ
E-mail: thuynt@aleteam.com
ALE - Teamwork - Teambuilding - BigGame - Trò chơi lớn

Lãng phí thời gian

Chúng ta đều có 24 tiếng mỗi ngày. Sử dụng thời gian như thế nào mà cùng lứa tuổi, người thì nhận được học bổng tiến sĩ từ 7 trường đại học danh tiếng của Mỹ, người thì ì ạch mãi chưa hoàn thành tấm bằng kỹ sư?

Người cùng lúc vừa quản lý công ty riêng mà vẫn có thời gian giải trí; người thì lúc nào cũng "đầu bù tóc rối" vì công việc, không có cả thời gian dành cho "sự nghiệp yêu đương"... Bài học của những người thất bại

"Mua đắt, bán rẻ"

Nhìn bạn bè cùng tuổi với mình đã ra trường được 1, 2 năm đều ổn định công việc, có người còn mở công ty riêng, trong khi mình vẫn đang loay hoay trả nợ các môn thi rớt, tấm bằng kỹ sư đáng lẽ chỉ mất 5 năm giờ thành 7 năm, V. Nguyên, sinh viên (SV) Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (HN) không khỏi ngậm ngùi. Vốn là một SV chăm chỉ, thông minh, chỉ vì tính toán sai trong thương vụ "mua bán thời gian" mà giờ đây cậu phải chịu "lỗ" thê thảm cả về thời gian và tiền bạc.



Cuối năm thứ 4, sẵn vốn kiến thức về tin học, Nguyên bắt đầu đi làm thêm ở vị trí hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng tại một công ty tin học khá có tiếng. Mục đích ban đầu rất hợp lý: làm thêm để tích lũy kinh nghiệm thực tế, tạo mối quan hệ và thêm chút tiền tiêu.

Với khoản tiền nhận được 500.000đ/tháng, công việc của Nguyên là buổi tối trực tổng đài trả lời cho khách hàng về những trục trặc họ gặp phải khi sử dụng máy vi tính, nếu khách yêu cầu đến tận nhà thì phải phóng xe máy tới luôn.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:

Hai cách giải trí không lãng phí thời gian

Nếu nói sử dụng quỹ thời gian mỗi ngày sao cho hợp lý thì rộng lắm. Tôi xin chia sẻ với bạn trẻ cách giải trí cho khỏi lãng phí thời gian mà thôi.

Dạng giải trí thứ nhất là mỗi người nên có một giờ giấc giải trí ổn định hằng ngày, hằng tuần để thoải mái sau một ngày học hành, làm việc căng thẳng.

Các bạn trẻ đừng nên phí quá nhiều thời gian để bù khú ở quán cà phê. Đó không phải là hình thức giải trí tích cực vì nếu cứ như vậy sẽ tạo ra thói quen không hay. Bạn trẻ nên chọn nhiều hình thức giải trí để thoải mái nhất, sao cho hợp với quỹ thời gian cũng như sở thích của mình nhất.

Dạng thứ hai là làm việc thật tốt và tự cho phép mình nghỉ phép dài ngày để thật sự thoải mái và có thể tích lũy năng lượng và quay lại công việc một cách tích cực hơn, năng động hơn.
Những hôm nhiều việc, phải đi xa, cậu về nhà với bộ mặt bơ phờ, và hậu quả là buổi học sáng hôm sau Nguyên đi trễ vài tiết. Cứ thế, công việc đáng lẽ chỉ là làm thêm, lại lấn vào thời gian học lúc nào không hay. Hết khóa, cậu không đủ điều kiện để làm bài tốt nghiệp. Thế là đành ngậm ngùi nhìn bạn bè ra trường, đi làm, còn cậu thì vẫn hì hục "trả nợ" các môn còn thiếu.

Nguyên rầu rĩ tính toán: "Tiền làm thêm 1 năm được 6 triệu đồng, đổi lại mình ra trường chậm 1 năm. Bạn bè tốt nghiệp "đúng hẹn", đi làm 1 năm lương bình quân 3 triệu/tháng thì cũng được 36 triệu đồng. Tính ra mình... "lỗ" tới 30 triệu (!), và còn nhiều thứ vô hình khác nữa...". Cậu kết luận: “"Lỗ" là do mình trả giá rẻ, tức là dành ít thời gian và công sức cho thứ quan trọng hơn, trong khi đó lại mua đắt thứ ít quan trọng!”.

"Bệnh" trì hoãn

Nghe cô bạn tên Linh thông báo: "Tớ đã hoàn thành khóa thạc sĩ ở Thụy Điển, giờ về lại Hà Nội làm việc rồi!", P.Lan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình nhận ra mới đó mà đã 2 năm. Hồi mới tốt nghiệp đại học năm 2004, 2 đứa cùng ôm ấp giấc mơ du học. Đã chuẩn bị sẵn vốn ngoại ngữ, Linh đi học ngay năm đó.

Còn Lan thì tặc lưỡi: Đằng nào năm nay mình cũng chưa đi được, thôi thì cứ chơi vài tháng hè đã rồi bắt tay vào học. Rồi Lan đi làm, công việc mới bận bịu, cứ nghĩ rằng khi nào đỡ bận sẽ đi học ngoại ngữ tiếp. "Để sang tháng sau!", "Để hết dịp này đã!"...

Điệp khúc cứ thế lặp lại. Thoắt cái đã 2 năm, ước mơ du học dù luôn thường trực ở cô gái trẻ nhưng vẫn dừng lại ở mức... mơ ước mà thôi! Không biết phút "giật mình" khi nghe Linh thông báo có giúp cô bạn hay trì hoãn này có động lực để bắt tay ngay vào những việc cần làm hay không.

Nhiều bạn trẻ có thói quen "nước đến chân mới nhảy", tặc lưỡi: Cứ để đó, còn lâu mới đến "deadline" (hạn cuối)! Thế là công việc dồn đống lại, đến gần hạn cuối mới bắt tay vào làm thì không còn đủ thời gian, đành làm quấy quá cho xong hoặc tệ hơn là không thể hoàn thành đúng hẹn.

Cứ nhìn cánh sinh viên, nhiều bạn cũng phờ phạc vì mất ngủ trước khi vào phòng thi thì rõ tình trạng "chơi dài, học dồn" chẳng phải hiếm hoi. Có những sinh viên cả mấy đêm trước ngày thi thức trắng để "nhồi bài", đến khi thi thật thì chỉ đủ sức gục xuống bàn mà... ngủ. Cũng vì cái tính này mà L.Phương, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HN) suýt không ra trường đúng hẹn.

Số là cuối khóa, sau khi kết thúc kỳ thực tập tại một tờ báo, Phương cần xin ý kiến nhận xét của anh phóng viên trực tiếp hướng dẫn mình vào cuốn sổ thực tập. Đến gần sát ngày phải nộp sổ thực tập cho trường, lò dò lên tòa soạn thì hay tin anh phóng viên đó đi công tác Thái Lan 1 tuần. Thế là mếu máo lên trường xin khất, xin nộp muộn. Cũng may các thầy thương tình "gia hạn" thêm cho vài ngày. Thật là một cú hú hồn!

Quản lý thời gian, chuyện của mỗi ngày, chuyện của mọi người, vậy mà những "lỗi cơ bản" này vẫn được số đông "hồn nhiên" lặp lại.

Tiến sĩ Trần Thị Kim Xuyến - Trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với việc giúp bạn trẻ sắp xếp thời gian sao cho hợp lý.

Lãng phí "hai lần tiền" nếu sử dụng thời gian không hợp lý!

* "Được rồi, để đó ngày mai mình làm tiếp" đó là câu nói cho hành động bỏ dở công việc của không ít bạn trẻ khi có bạn bè rủ rê. Bà đánh giá gì về hành động này?

- Họ chỉ cần nhớ câu nói của thế hệ trước: "Con ơi con chớ nói thế, việc hôm nay chớ để ngày mai". Nếu để lại ngày mai thì khi làm tiếp, mình sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Như vậy rất mất thời gian, bên cạnh đó mình lại tạo ra một thói quen không dứt điểm công việc.

"Năng động không có nghĩa là chỉ có làm việc mà không biết đến vui chơi giải trí. Vấn đề ở chỗ phải kết hợp hài hòa các hoạt động của mình".
* Thế nhưng, trên thực tế vẫn có nhiều bạn trẻ quá chi ly cho thời gian của mình, dẫn đến họ luôn luôn bận rộn - điều đó có ảnh hưởng gì, thưa bà?

- Thực ra, người bận rộn không phải họ quá chi ly cho thời gian. Tôi cho rằng, nếu biết sắp xếp thời gian thì người bận rộn (người có nhiều việc) sẽ thu được hiệu quả trong quá trình thực hiện công việc hơn, còn nếu không biết sắp xếp thời gian hợp lý thì người đó tất nhiên sẽ trở thành là người "tất bật".

Vấn đề không phải ở chỗ bận rộn hay không mà là có hiệu quả trong công việc hay không! Như vậy việc đặt kế hoạch cho công việc của mình sẽ giúp cho các bạn trẻ chủ động hơn trong việc sử dụng thời gian của mình.

* Lãng phí thời gian là lãng phí tiền và sức khỏe? Bà nghĩ thế nào?

Nhiều người nói rằng, thời gian là tiền bạc. Tuy nhiên, giỏi giang không tự nhiên sinh ra tiền. Những người không sử dụng thời gian để lao động, họ cũng sẽ không kiếm được tiền để "lãng phí". Như vậy không sử dụng thời gian một cách hợp lý, chúng ta sẽ mất đi một khoản thu nhập lẽ ra có thể có.

Đồng thời, chính họ sẽ làm lãng phí "hai lần tiền" nếu như sử dụng thời gian quá nhiều vào các loại hình giải trí tốn kém như "ngồi đồng" ở các quán cà phê để tán gẫu... Lần đầu - do họ không dành thời gian để kiếm tiền, lần thứ hai họ phải chi phí cho sự lãng phí thời gian của mình.

Hơn thế nữa, sự tiêu phí quá nhiều thời gian cho giải trí như vậy, không những bị lãng phí về sức khỏe, mà còn làm mất đi cơ hội tích lũy và nâng cao kiến thức cần phải có cho công việc, ý chí vươn lên trong cuộc sống, trách nhiệm đối với bản thân và gia đình...

* Vậy thì việc quản lý thời gian dễ hay khó?

- Quản lý thời gian là điều cần thiết đối với mọi người trong xã hội hiện đại, đặc biệt là các bạn trẻ. Hơn ai hết, giới trẻ là lớp người cần có nhiều hành trang cho cuộc sống năng động này. Tuy nhiên, năng động không có nghĩa là chỉ có làm việc mà không biết đến vui chơi giải trí. Vấn đề ở chỗ phải kết hợp hài hòa các hoạt động của mình.

* Bà có thể cho bạn trẻ một cách sắp xếp hợp lý về thời gian?

- Nhiều nhà báo hay hỏi tôi về lời khuyên cho bạn trẻ. Tôi thường nói rằng, không có bất kỳ một lời giải nào chung cho mọi trường hợp. Mọi người chỉ cần luôn nhắc nhở bản thân một điều ai cũng biết rằng: đời sống của con người là giới hạn và thời gian chỉ có 24 giờ. Mọi người phải tự căn cứ vào hoàn cảnh của mình để lên kế hoạch cho chính mình mà thôi.

(Sưu tầm)

NGUYỄN THỊ THUỲ
E-mail: thuynt@aleteam.com
ALE - Teamwork - Teambuilding - BigGame - Trò chơi lớn

Hai hạt lúa


Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“ Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

(Sưu tầm)

Nguyễn Thị Ngọc
E-mail: ngocnt@aleteam.com
SĐT: 01699.626.088
ALE- BigGame - Teamwork - Teambuilding - Trò chơi lớn

Hai con dê


Dê con và dê trắng

Bước xuống hai đầu cầu
Chú nào cũng muốn mau
Vượt cầu sang kia trước

Không ai chịu nhường bước
Cãi nhau mãi không thôi
Chú nhái bén đang bơi
Ngẩng đầu lên và bảo

Cái cầu thì bé tẹo
Ai cũng muốn qua nhau
Nếu cứ cố chen nhau
Thì có anh ngã chết

Chi bằng hãy đoàn kết
Cõng nhau quay 1 vòng
Đổi chỗ thế là xong
Cả hai cùng qua được.

(Sưu tầm)

Nguyễn Thị Ngọc
E-mail: ngocnt@aleteam.com
SĐT: 01699.626.088
ALE - BigGame - Teamwork - Teambuilding - Trò chơi lớn

Một số hội chứng tâm lí trong giao tiếp ứng xử


Nguyễn Tất Thịnh

Con người, dù là ai luôn phải hòa nhập, gắn mình và tồn tại trong một môi trường xã hội để giao tiếp với người khác, khẳng định được cái riêng của mình, phát biểu được chủ kiến, từ đó nhận được sự hưởng ứng hay trợ giúp cho điều mình mong muốn. Giao tiếp ứng xử là cách phổ biến nhất trong hoạt động sống, vì trong mọi trường hợp ai cũng phải làm việc và mưu cầu thông qua, với người khác.

Mấu chốt là phải xuất phát điểm từ việc hiểu rõ cái chung để bộc lộ bản thân, đi đến cái riêng - đó là một thử thách lớn về khả năng giao tiếp ứng xử của bạn. Thành công hay thất bại là ở chỗ đó. Các tập quán và quan niệm chung của tổ chức hay rộng hơn là của xã hội, có thể khác nhau, một cách lâu dài sẽ tạo cho bạn một phong cách giao tiếp ứng xử, nhưng trên nền đó bạn muốn chứng tỏ điều riêng gì mà Bạn muốn đây? Bản sắc của bạn phải được bộc lộ tích cực như một giá trị cơ bản trong giao tiếp khiến bạn được thừa nhận.

Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một số hội chứng điển hình trong giao tiếp ứng xử có tác dụng dương tính hay âm tính đến sự thành công trong giao tiếp với các đối tác của bạn trong cuộc sống tùy thuộc vào việc bạn nhận thức nó đến đâu và ứng dụng như thế nào.

Nguyên nhân của các loại hội chứng tâm lý dưới đây thường là:

  • Thứ nhất là: xuất phát từ sự hạn chế các năng lực của bản thân ( như phẩm chất, khả năng, những lợi thế ), về nơi xuất xứ của bản thân ( gia đình, doanh nghiệp và xã hội, địa vị bản thân );
  • Thứ hai là do không có điều kiện được bảo vệ hay hậu thuẫn bởi tổ chức tốt, hay bởi những người có sức mạnh và uy tín hơn ( như là doanh nghiệp, nghiệp đoàn hay chính phủ, hệ thống luật pháp, thủ trưởng );
  • Thứ ba là phải thường xuyên sống trong môi trường không cân bằng ( các mối quan hệ xã hội, quan hệ với thiên nhiên, quan hệ với thế giới tâm linh có thể sai lạc, cực đoan ).

Bài này là sự tiếp tục với bài tôi đã đăng trên chungta.com ( Các qui luật về hành vi ứng xử ). Hi vọng có thể giúp ích bạn đọc thêm một chút hiểu biết để chủ động, tích cực tích lũy những năng lực giao tiếp ứng xử trong nhưng hoàn cảnh sống và làm việc khác nhau

Tiền đề : Con người trở nên rất đáng sợ khi :
- Bị mất mặt trước người khác
- Bị bóc mẽ tâm địa
- Bị tước khả năng xử sự bình thường

1- Hội chứng rạp hát

Bạn vào rạp hát để xem kịch hay nghe hát, khi kết thúc, bạn có thể vì một lí do chưa rõ ràng mà không thấy nó hay, chưa biết có nên tán thưởng hay không, nhưng xung quanh bạn, mọi người vỗ tay rào rào. Tình hình ấy một cách trực tiếp khiến bạn vỗ tay, nếu không bạn sẽ tự thấy xấu hổ vì thiếu lịch sự, sẽ lạc lõng, bạn thấy ít nhất mình cũng không kém hiểu biết hơn những người khác

Trong giao tiếp nhiều khi để chứng tỏ mình cũng như người khác xung quanh hay ho và am tường mà bạn có thể dễ dàng cho qua sự bất cập trong thảo luận hoặc không tham gia sâu vào sự việc. Nếu điều này làm cho đối phương phát hiện ra, họ lợi dụng điều đó để hướng vào lợi ích của riêng họ, bằng cách chủ động tiến hành trao đổi với bạn ở những không gian văn hóa, đưa ra những ý kiến lịch sự, khá sâu về khía cạnh kĩ thuật và nghe có vẻ uyên bác về lĩnh vực mà họ đang nói, hoặc mượn lời của các nhà chuyên môn tên tuổi, của số đông, hoặc gán cho những ý kiến là của những danh nhân, của người có địa vị cao trong xã hội. Do bạn không am tường, hoặc không có sẵn chính kiến, lại ở bầu không khí Văn hóa, nên đã dễ dàng xuôi theo dòng dẫn dắt của họ để cuối cùng đi đến a tòng với một kết cục rất ít có lợi cho bạn. Bởi vì lúc bạn nhận ra điều này thì cũng chính là lúc bạn mắc phải thế bị kẹt tiến thoái lưỡng nan. Đương nhiên câu chuyện có thể hoàn toàn ngược lại, người bị lôi cuốn vào hội chứng này lại là đối tác của bạn, một khi bạn tạo ra được cái gọi là ‘Hiệu ứng văn hóa đám đông’ . Tóm tắt của loại hội chứng này là:

Trong không gian mang màu sắc Văn hóa, trang trọng …người ít hiểu biết và ít sẵn sàng có chính kiến nhất thường hưởng ứng, phản xạ theo số đông, nhằm giảm rủi do về hành vi, thái độ của mình trong cách đánh giá của đại bộ phận còn lại

2- Hội chứng lây lan ( Bầy đàn )

Câu chuyện hài hước của Azit Nexin về dòng người nối đuôi nhau xếp hàng mua mũ ( dù đầu đang đội mũ, giá trị mũ không bao nhiêu, và chẳng cần đến nó lắm ) là một ví dụ hay về loại hội chứng này - biểu hiện tâm lí xã hội của con người trước hành vi mang tính đám đông. Người ta tin rằng hành vi của đám đông thường xuất phát từ những lí do xác đáng và mang ý nghĩa phổ quát. Hành động theo đám đông hoặc dấn mình lẫn vào hành vi chung của đám đông, dưới một lớp vỏ ý thức : ‘trong đám đông luôn có cái lý nào đó’, nếu không thu được lợi thì ít nhất sẽ có tác dụng giảm nhẹ sự rủi do về tâm lí và hành vi cho mỗi người khi họ làm một việc nào đấy trong khuynh hướng hành vi đám đông đó. Ví dụ khi nhiều người bỏ tiền ra mua cổ phiếu, bạn mặc dù chưa hiểu sâu và chưa có phân tích kĩ về việc này nhưng bạn dễ có khuynh hướng bỏ số tiền nhàn rỗi của mình, thậm chí đi vay để mua cổ phiếu.
Những người làm kinh doanh hay lợi dụng hội chứng này để lôi kéo những người ‘ngoài rìa’ tham gia vào những hoạt động thương mại của họ bằng cách tạo ra hay tổ chức những sự kiện, những trào lưu có qui mô lớn, trong đó lồng vào những thông tin, quan điểm khiến người ta cảm nhận đó là ‘xã hội’…Bạn có thể thành công trong giao tiếp ứng xử với đối tác nếu bạn tạo ra được cái gọi là ‘khuynh hướng hay hành vi cộng đồng mang tính xã hội’ khi đó bạn lôi kéo được đối tác vào con đường bạn muốn…

Tóm tắt của hội chứng này là:
- Trong mỗi con người chứa đựng sẵn phản xạ ‘hành vi bầy đàn’. Khi điều đó được cảm nhận theo cách ‘xã hội’ hay ‘khuynh hướng cộng đồng’ thì những người ít thông tin, những người đang có ‘mục đích lang thang’ dễ tập trung vào đó, hoặc ‘a dua’ vào trào lưu.


3- Hội chứng "con gà mái "

Hội chứng này được suy diễn từ câu hỏi vui như sau: con gà mái nghĩ gì khi bị con gà trống đuổi ? Câu trả lời đúng là: con gà mái nó nghĩ rằng liệu ta chạy thế này có nhanh quá không ?! ý nghĩa của điều này là bạn nên nắm vững thuật kích thích và điểm kích thích tới hạn dành cho người mà bạn xem là đối tác, cần giao tiếp ứng xử, để đạt được mong đợi một cách hiệu quả nhất. Có thể phát biểu về hội chứng này như sau:

Cái dễ có được là cái ít có giá trị. Một trong những điều được coi là giá trị khi người ta phải vượt qua thách đố mà theo đuổi được đối tượng mới thấy đối tượng đáng quí và mãn nguyện với chính mình. Biết kích thích sự hào hứng của đối tác bởi sự đề cao giá trị bản thân trong một giới hạn thách đố khả thi.

Tính thách thức là ‘tâm lí đinh’ trong trò chơi cuộc sống. Đó là niềm vui, là sự thể hiện sự khôn ngoan….để dần dần tìm thấy sự chấp nhận được lợi ích của mỗi bên sau khi vượt qua các khó khăn và trở ngại . Cuộc sống không dễ dàng, Cuộc sống luôn có điều kiện và đòi được trả ‘đúng gia’ cho mỗi một mưu cầu của bạn. Vậy tại sao bạn không tạo cơ hội cho họ có chút niềm vui đó? Nếu bạn xác định chắc chắn rằng đối tác chính là người mà bạn cần, thì bạn hãy nên biết đưa ra điều kiện của mình từng bước nhỏ, trong một cố gắng thăm dò phản ứng của đối tác để điều chỉnh ngay mức độ các điều kiện đó với thiện chí là để họ sẽ chấp nhận, theo đuổi và đáp ứng được. Nhưng đôi khi việc bạn sốt sắng quá mức khiến cho đối tác có cảm giác nghi ngại, hoặc họ sẽ tự cao tự đại mà sẽ khắt khe với bạn hơn. Bạn nên kích thích đối tác, tùy thời điểm, điều tiết tốt với mức độ khiến họ luôn hào hứng. Tức là nên xác định được điểm tới hạn về mong muốn về nhu cầu của đối tác, và hãy dự trữ khả năng ứng xử thực tế của bạn đủ để thu hút và dẫn đắt được sự quan tâm của đối tác, chống được ‘tình trạng bão hòa’ về tâm lý của đối tác.



4- Hội chứng mặc cảm:

Con người ai cũng tồn tại ít nhiều các khiếm khuyết về hiểu biết hoặc thiếu hụt về những khả năng cụ thể khi tiếp xúc với một vấn đề nhất định, khi cân nhắc trước khi ra quyết định, hay thực hiện một việc gì. Họ hoàn toàn tự cảm nhận được điều đó và tìm cách che dấu chúng, không muốn người khác biết được khi giao tiếp với họ. Điều đó đặc biệt rõ ràng khi họ trong hoàn cảnh văn minh hơn môi trường họ từng sống. Những biểu hiện thường thấy của hội chứng này là:

Mỗi người dù có điểm mạnh nào đó, nhưng rơi vào hoàn cảnh hay môi trường văn minh hơn mà điểm mạnh đó không được thừa nhận thường rơi vào trạng thái tâm lý tự ti, nên giấu mình, hoặc cố gồng mình lên ( xù lông, hoa hòe hoa sói ) một cách lộ liễu, mâu thuẫn nội tâm: vừa thích nhưng vừa bài xích những gì mình không đạt được.

Hội chứng mặc cảm dẫn đến hiệu ứng giao tiếp: mặc cảm ? bộc lộ dở trong giao tiếp, ứng xử ? truyền sang và gây khó xử cho đối tác. Nó cản trở quá trình giao tiếp chân thành, dễ bị suy diễn và đi xa cốt lõi của vấn đề mà hai bên quan tâm và mong đạt tới. Bạn với tư cách là người giao tiếp với họ, nên tinh tế nhận thấy và khôn khéo tránh cho họ sự lúng túng khó xử, tạo bầu không khí giao tiếp thân thiện và thoải mái. Ví dụ một khách hàng trông có vẻ nghèo đến cửa hàng của bạn với ý định muốn mua một dây chuyền bằng ngọc trai có thể là để tặng bạn gái. Anh ta nghèo thật, vì thế tỏ ra rụt rè, thận trọng đến mức ngại ngùng khi hỏi bạn những thông số liên quan đến một vài chuỗi ngọc trai bầy trong tủ kính. Dù anh ta có mua được hay không thì sự niềm nở lịch sự của bạn không bao giờ là vô ích. Người Nhật có một quan niệm rất hay trong giao tiếp. Họ cho rằng chào hỏi là nghi lễ, động tác đầu tiên trong giao tiếp cần phải tỏ ra cung kính với khách: muốn tôn trọng người, mình phải khiêm nhường. Cảm giác của đối tác là tự tin hơn, kính trọng lại chủ nhân, thoát khỏi trạng thái mặc cảm nếu có.

5- Hội chứng con đường rút lui tâm lí

Trong giao tiếp, đối thoại, khi đối tác rơi vào sai lầm, hay thế yếu rõ ràng, bạn nên có cách khôn khéo mở cho họ một lối thoát dễ chấp nhận nhất về tâm lý, bằng cách tìm một lí do nhẹ nhàng, hay ho để họ đi ra bế tắc một cách tự nhiên nhất, không bị bẽ mặt, mà hoàn toàn có lợi cho mong muốn của bạn. Hơn nữa thông thường khi một bên đã tỏ ra thiện chí thì cũng tạo điều kiện cho bên kia một cách tương tự. Nội dung của hội chứng này là:

Con người không muốn tự công nhận mình hố, mình kém, tự nhiên bị dắt mũi vào sự thua thiệt. Trong nhiều tình huống bất khả hành động tiếp, họ muốn tìm thấy những lí do giải thích cho những quyết định mới, khác của mình, và muốn được người khác thừa nhận đó là những điều chính đáng, tuyệt hơn là có chỗ dựa về danh dự.

Chuyện kể rằng: vào những tháng cuối cùng của cuộc thế chiến lần thứ II, quân Mĩ chiếm được một hòn đảo lớn trên Thái Bình Dương. Lúc đó trên đảo này còn một bộ phận nhỏ lính Nhật đang lẩn trốn và chiến đấu trong tuyệt vọng quyết liệt. Dù phía Mĩ kêu gọi thế nào lính Nhật cũng không ra đầu hàng. Trong lúc căng thẳng như thế Một sĩ quan chỉ huy Mĩ nghĩ ra một cách binh vận độc đáo: kêu gọi lính Nhật nếu chịu ra nộp vũ khí thì sẽ được sang Mĩ thăm Holywood một chuyến. Thật bất ngờ, lời kêu gọi không lấy gì làm chắc chắn lắm này đã có sức thuyết phục. Lính Nhật ra khỏi nơi trú ẩn, giao nộp vũ khí. Sau đó để giữ uy tín Chính phủ Mĩ đã thực hiện lời hứa của viên chỉ huy Mĩ đối với họ. Rất có thể những người lính Nhật không phải vì tin lời của viên sĩ quan chỉ huy Mĩ mà ra đầu hàng, nhưng ít nhất vào thời điểm tuyệt vọng đó, lời kêu gọi của viên sĩ quan Mĩ chính là một cách mở đường tâm lí để họ có thể đầu hàng trong danh dự: tư thế của những người khách được mời sang Mĩ, chứ không chỉ là đầu hàng vô điều kiện.

Khi Giao tiếp, bạn nên đội chiếc mũ văn hóa lên đầu, chủ động đưa ra, gợi ý một số các phương án, những điều kiện để cho đối tác của bạn có thể lựa chọn hơn là bạn cố áp đặt cho họ một phương án nào đó cho dù điều đó theo bạn là hết sức có lí. Đối tác dù thế nào luôn có phẩm chất, lòng tự tôn, những nguyên tắc và mục tiêu riêng, do vậy cần gợi mở những giải pháp tâm lí thiện chí để họ vẫn bảo tồn được những điều ấy. Nói một cách chính xác hơn là bạn vẽ ra, tạo ra một con đường tâm lí để người ta có thể đi đến với bạn chứ không phải là đến với người khác hay ngõ cụt.

 
ALE - BigGame - Teamwork - Teambuilding - Trò chơi lớn - Trò chơi kỹ năng © 2008-2009 | Số 99A ngõ 1194 đường Láng - Đống Đa - Hà Nội | +84 904 48 4774 | info@aleteam.com
Power by ThángTư.Net